thầy Thích Nhất Hạnh

Những nét tiêu biểu trong cuộc đời tu hành của thầy Thích Nhất Hạnh

Tin tức

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người có ảnh hưởng sâu rộng đối với cộng đồng phật tử trong nước và thế giới, đồng thời là một trong những nhà văn hóa thể hiện tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Hãy tìm hiểu về cuộc đời tu hành của thầy Thích Nhất Hạnh trong bài viết dưới đây nhé.

Sơ lược về cuộc đời tu hành của sư thầy Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo sinh ngày 11/10/1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em và cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ. 

Thiền sư xuất gia năm 16 tuổi, pháp danh Trừng Quang, pháp tự Phùng Xuân, pháp hiệu Nhất Hạnh, thuộc thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ tám của phái Liễu Quán. Năm 1947, ông theo học Phật học đường Báo Quốc (Huế). Năm 1949, thiền sư rời Huế vào Sài Gòn để tiếp tục tu học. Thiền sư cũng là người đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt. 

Trong những năm 1950, thiền sư tham gia sáng lập và làm chủ bút các tạp chí Liên Hoa, Phật Giáo Việt Nam, sau đó cùng một số đệ tử xây dựng Phương Bối Am ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) làm nơi tu tập. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. 

Tháng 10/1951, thầy Thích Nhất Hạnh thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn) với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu. Năm 1954, sư thầy được Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục và làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt.

Năm 1955, thiền sư làm chủ bút nguyệt san Phật giáo Việt Nam – đây là cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam. Năm 1957, sư thầy thành lập Phương Bối Am tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. 

thầy Thích Nhất HạnhThiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều phật tử yêu mến

Xem thêm: Tìm hiểu về cuộc đời và con đường tu hành của thầy Minh Niệm

Từ năm 1961 – 1963, thiền sư Thích Nhất Hạnh tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Mỹ; đồng thời sáng tác đoản văn “Bông Hồng Cài Áo”. Năm 1964, sư thầy được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Đồng thời làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm – cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.

Năm 1965, thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và đến năm 1966 tiếp tục sáng lập Dòng tu Tiếp Hiện. Ngày 1/5/1966, sư thầy được Bổn sư phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trụ trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch.

Ngày 11/05/1966, thiền sư rời Việt Nam kêu gọi Hòa bình, bắt đầu quãng thời gian 39 năm sống và truyền đạo ở nước ngoài. Năm 1967, sư thầy được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình.

Từ năm 1968 – 1973, sư thầy Thích Nhất Hạnh vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Cũng trong thời gian này, thiền sư được mời giảng dạy môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” tại Trường đại học Sorbonne (Pháp) và soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận gồm 3 tập với bút hiệu Nguyễn Lang.

Tháng 5/1970, thiền sư Thích Nhất Hạnh tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Tháng 9/1970, thiền sư được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức đề cử làm lãnh đạo Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Hội nghị Paris. 

Năm 1972, thiền sư chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng với nội dung về sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo vệ Trái đất. Năm 1971, ông thành lập Phương Vân Am tại Paris.

Năm 1982, thiền sư thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp. Năm 1998, thành lập Tu viện Thanh Sơn tại Mỹ và năm 2000 thành lập Tu viện Lộc Uyển cũng tại Mỹ. Năm 1999, thiền sư cùng với các chủ nhân giải Nobel Hòa bình đã soạn thảo Tuyên ngôn 2000 về một nền hòa bình và bất bạo động cho thiên niên kỷ mới.

Năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam lần thứ nhất và thành lập tu viện Bát Nhã tại Bảo Lộc. Năm 2007, thiền sư trở về Việt Nam lần thứ hai và tổ chức ba Đại Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế tại ba miền. Năm 2008, khi trở về Việt Nam lần thứ ba, sư thầy đã thuyết giảng tại lễ Vesak Liên Hiệp quốc.

Từ năm 2008, sư thầy Thích Nhất Hạnh đã liên tiếp thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (Đức); Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan (Mỹ); Thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Pháp); Làng Mai Thái Lan; Tu viện Nhập Lưu (Úc); Viện Phật học Ứng dụng Châu Á (Hồng Kông); Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch (Việt Nam); sau đó tiếp tục mở rộng công trình hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên khắp thế giới.

Năm 2014, sau sinh nhật thứ 89, sức khoẻ của  của thiền sư Thích Nhất Hạnh giảm sút nhanh do bị đột quỵ. Tháng 1/2016, sau hơn một năm phục hồi chức năng, thiền sư trở về Làng Mai. Mặc dù bị tê liệt một phần và không thể nói được, nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến cho sự hiện diện thanh bình của mình ở Làng Mai. 

Tháng 8/2017, thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam cùng các học trò của mình, dù vẫn chưa hồi phục được như trước, nhưng sức khỏe của ông đã tiến triển tốt đẹp. Tháng 10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh quay trở lại Việt Nam và địa điểm lần này của thiền sư chọn để tĩnh dưỡng là chùa Từ Hiếu tại thành phố Huế, dự kiến thầy sẽ có thời gian dài nghỉ ngơi tại đây cho đến khi Thiền sư viên tịch.

Theo cáo phó của đạo tràng Mai Thôn, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào lúc 1h30 ngày 22/1/2022 tại tổ đình Từ Hiếu, ngôi chùa mà 80 năm trước ông thọ giới Sa Di và cách đây hơn ba năm ông chọn làm nơi an dưỡng những ngày cuối đời trước khi trở về cõi Phật.

thầy Thích Nhất HạnhCác tác phẩm của thầy Thích Nhất Hạnh được đông đảo độc giả đón nhận

Xem thêm: Vài nét về cuộc đời tu học và giảng pháp của sư thầy Thích Giác Khang

Các hoạt động xã hội của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Vào những năm 1960, thiền sư Thích Nhất Hạnh tích cực tham gia hoạt động xã hội với vai trò là học giả, giáo viên và nhà đấu tranh cho hòa bình. Ông thành lập Trường Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh tại Sài Gòn và Nhà xuất bản Lá Bối – một tạp chí hoạt động vì hòa bình. Năm 1966, ông tiếp tục thành lập Dòng tu Tiếp Hiện (Order of Interbeing).

Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, thiền sư thường xuyên đi Mỹ và châu Âu để nói về vấn đề hoà bình và kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến ở Việt Nam. Trong một chuyến đi năm 1966, lần đầu tiên thiền sư gặp nhà đấu tranh dân quyền Martin Luther King Jr, chính người sau này đã đề cử ông giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. 

Sau đó, thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp tục đi khắp nơi, truyền bá thông điệp từ bi và hòa bình, vận động các nhà lãnh đạo phương Tây tác động đến chiến tranh tại Việt Nam. Vào năm 1969, ông trở thành nhà lãnh đạo phái đoàn Phật giáo tại Paris Peace Talks. Ông tiếp tục giảng dạy, viết sách về nghệ thuật chánh niệm và “sống hòa bình”. 

Vào đầu những năm 1970, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một giảng viên và nhà nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Sorbonne, Paris. Năm 1975, ông thành lập cộng đồng Sweet Potato gần Paris. Đến năm 1982, cộng đồng này di chuyển đến một khu vực rộng lớn hơn ở phía tây nam của nước Pháp, nơi thanh bình và tuyệt đẹp đó được gọi là “Làng Mai” hay Đạo tràng Mai Thôn.

Làng Mai dưới sự lãnh đạo của thiền sư Nhất Hạnh đã phát triển từ một trang trại nông thôn nhỏ đến bây giờ là tu viện Phật giáo lớn nhất ở phương Tây. Nơi đây có hơn 200 tu sĩ thường trú và hơn 8.000 du khách mỗi năm, những người đến từ khắp nơi trên thế giới để học “nghệ thuật của cuộc sống chánh niệm”.

Trong hơn 20 năm qua, hơn 100.000 người đã cam kết tuân theo quy tắc hiện đại của Thiền sư Nhất Hạnh về đạo đức toàn cầu phổ cập trong cuộc sống hàng ngày của họ, được gọi là “Thực tập 5 chánh niệm”. Thiền sư đã mở rất nhiều tu viện ở Việt Nam, California, New York, Paris, Hồng Kông, Thái Lan, Mississippi, Úc và “Viện Phật Giáo Ứng Dụng” ở Đức. 

Bên cạnh đó, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập Wake Up, một phong trào toàn thế giới của hàng ngàn thanh thiếu niên đào tạo về những thói quen này. Ông đã khởi động một chương trình đào tạo các giáo viên quốc tế để dạy chánh niệm tại các trường học ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Trong những năm gần đây, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dẫn dắt sự kiện cho các nghị sĩ Hoa Kỳ, Anh, Ireland, Ấn Độ và Thái Lan. Ông đã đề cập đến UNESCO tại Paris, kêu gọi các bước cụ thể để đảo ngược chu kỳ bạo lực, chiến tranh và hâm nóng toàn cầu, cũng như Quốc hội Tôn giáo thế giới tại Melbourne. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào năm 2013, thiền sư xuất hiện trong các sự kiện chánh niệm cao trọng tại Google, Ngân hàng Thế giới và Trường Y đại học Harvard.

Sự nghiệp sáng tác của sư thầy Thích Nhất Hạnh 

Sinh thời, ngoài sức ảnh hưởng qua sự nghiệp tu hành, Thiền sư Thích Nhất Hạnh ghi dấu ấn với độc giả qua hơn 100 đầu sách, trong đó có 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh. Ông cũng thường xuyên có những bài viết trên tạp chí Order of Interbeing, cũng như các bài thơ, những câu chuyện về trẻ em, và các bài bình luận về các văn bản Phật giáo cổ. 

Bằng vốn kiến thức uyên thâm của một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu và hoạt động xã hội, Thích Nhất Hạnh cho thấy sức ảnh hưởng của ông với cộng đồng tu tập, thiền hành trên thế giới. Viết sách là cách thiền sư trải lòng, đến gần hơn với cuộc đời và con người.Hầu hết các tác phẩm của ông đều hướng về độc giả Phật giáo, nhưng lời dạy của ông thu hút đông đảo mọi người. 

Ông đã bán được hơn ba triệu cuốn sách ở Mỹ, một số tác phẩm nổi tiếng nhất bao gồm: Being Peace, Peace Is Every Step, The Miracle of Mindfulness, The Art of Power, True Love and Anger. Sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xuất bản bởi nhiều nhà xuất bản như Parallax Press, Penguin – Riverhead Publishing, Beacon Press, Bantom Books. Các tác phẩm có sẵn tiếng Pháp, Đức, Ý, Nga, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Việt Nam…

Tổng hợp

Rate this post