Đất nước ta trải qua những biến thiên của lịch sử – xã hội, vai trò vị trí của người thầy cũng dần dần có sự thay đổi. Thế nhưng, hình ảnh các “thầy đồ” trong xã hội phong kiến vẫn được nhắc đến nhiều trong xã hội hiện nay bởi không chỉ ở cái tài, mà còn ở cái tâm của người làm nghề giáo. Chúng ta cùng đi tìm hiểu thầy đồ là gì qua bài viết dưới đây nhé
Mục Lục
Định nghĩa thầy đồ là gì?
Trong xã hội phong kiến, bên cạnh những trường lớp chính quy do nhà nước quân chủ chuyên chế lập ra nhằm dạy dỗ con cháu các tầng lớp vua quan, còn có những hình thức giáo dục trong cộng đồng làng xã thông qua lớp học của những thầy đồ làng. Những thầy đồ làng có thể là những nho sĩ đã đỗ cử nhân, tiếp tục dùi mài kinh sử để thi trạng nguyên, tiến sĩ, cũng có thể là những người đã đỗ đạt nhưng không ra làm quan hoặc làm quan nhưng lui về ở ẩn để giữ nguyên tấm lòng thanh bạch và để đem hết sở học truyền dạy lại cho hậu thế như: Chu Văn An, Nguyễn Khuyến…
Xem thêm: Thầy Đỗ Văn Đức
Những nhân cách cao cả đó không chọn nghề nào khác mà chọn nghề dạy học, bởi qua nghề dạy học, họ có điều kiện để ươm những mầm xanh hi vọng cho ngày mai, muốn đào tạo nên những người có tài để có thể giúp dân, cứu nước. Họ muốn gửi vào thế hệ học trò của mình tất cả niềm hi vọng rằng: Mai sau những học trò của mình sẽ thành tài, đem sức lực và sở học của mình để kiến tạo một xã hội công bằng, thịnh vượng và có thể thực hiện được những ước vọng, trả được món nợ chí khí tang bồng của người quân tử mà bình sinh họ không thực hiện được.
Chính vì vậy những người thầy đồ được người dân và xã hội coi trọng. Dù đỗ đạt ở mức độ nào thì họ là những người học chữ “thánh hiền”, những người có đạo đức, có tâm huyết trong việc giáo dục, rèn giũa con người theo những phẩm chất của thánh hiền nên họ luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách. Vì vậy, xã hội luôn gửi gắm ở họ niềm tin về nhân cách, tài năng, luôn coi họ là chuẩn mực, là hình mẫu để vươn tới.
Vai trò của thầy đồ trong xã hội phong kiến
Những lớp học của thầy đồ làng thường được tổ chức ngay tại nhà thầy, những người muốn gửi gắm con mình theo học thầy phải đến xin thầy cho con học chữ. Để được theo học thầy, cha mẹ phải lựa chọn “ngày lành tháng tốt” mang lễ đến nhà thầy (lễ thường có xôi, thịt gà, rượu…), thầy nhận lễ xong sẽ mang đi khấn thánh hiền, sau đó chia để mọi người cùng thụ lộc, riêng đứa trẻ được ưu tiên ăn mắt gà, ngụ ý để sau này sẽ sáng mắt, sáng lòng, tiếp thu nhanh tri thức và đạo đức của các bậc thánh hiền.
Xem thêm: Thầy Đỗ Đức Ngọc
Sau đó, trong những buổi học, việc đầu tiên là thầy đồ sẽ dạy cho các học sinh viết chữ bằng bút tre, khi đã viết được chữ thầy sẽ dạy đọc, vừa đọc thầy vừa giảng giải sách và những lời dạy của thánh hiền. Những bài học của thầy đồ chủ yếu là học về đạo đức, luân thường Nho giáo, về nhân – lễ – nghĩa – trí – tín. Đó là những đức tính cơ bản để mỗi người tu thân, rèn đức.
Không những thế, thầy còn giảng dạy những phong tục tập quán, lễ nghi, truyền thống lịch sử dân tộc cho người dân thôn quê. Ngoài ra thầy còn soạn, chép văn tế, các văn bản cho các quan mục, chức sắc trong làng xã, viết câu đối cho nhân dân trong những dịp lễ tết.
Chính vì vậy, đối với cộng đồng nhân dân lao động, hình ảnh người thầy trong xã hội phong kiến là hình ảnh của những người đi đầu trong làng xã, những người luôn được cộng đồng tìm đến như những vị quân sư cho họ trong cuộc sống hàng ngày, người thầy luôn hiện lên trong tâm thức cộng đồng như những hình mẫu về đạo đức, lối sống, tri thức và uy tín cá nhân. Do vậy, người thầy không chỉ là hình mẫu để mọi người vươn tới mà còn là cứu cánh, là nơi họ gửi gắm niềm tin về lẽ phải và sự công bằng trong xã hội.
Trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc, cũng không khó để tìm thấy những câu chuyện, những giai thoại về những thầy đồ thông minh, dùng tri thức và sự khôn khéo của mình để đấu lý với bọn cường hào, ác bá nhằm bảo vệ lẽ phải, công bằng. Bởi vậy nên từ bao đời nay người thầy giáo vẫn được coi là cầu nối, nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai, là người trao tri thức, truyền cái “tâm” đến cho các thế hệ tương lai của đất nước.