Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hay ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, là ngày học trò nhớ về công ơn dạy dỗ của thầy giáo, cô giáo. Để giúp bạn hiểu hơn về ngày lễ ý nghĩa này, bài viết xin chia sẻ truyền thống ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Mục Lục
1. Truyền thống ngày nhà giáo Việt Nam
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời quý báu của dân tộc ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được nhân dân ta lưu truyền trong những câu tục ngữ, ca dao mà mọi người đều thấy quen thuộc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Hàng năm, bên cạnh “mồng ba tết thầy” thì vào dịp 20 – 11, nhân dân ta và các thế hệ học trò lại tổ chức thăm hỏi, quan tâm hoặc trao đổi với các Nhà giáo về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp toàn xã hội động viên, cổ vũ các Nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh “trồng người” vẻ vang của mình. Vậy nguồn gốc của truyền thống này như thế nào?
Vào tháng 8/1954 do sáng kiến của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục , hội nghị quốc tế các nhà giáo với nòng cốt là công đoàn giáo dục các nước XHCN đã nhất trí thông qua “bản hiến chương các nhà giáo”.
Đến tháng 8/1957. Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vác-xa-va (Ba Lan) đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương, trong đó có một số nội dung chủ yếu:
Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.
Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.
Được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là ĐCSVN), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phổ biến toàn văn bản Hiến chương các nhà giáo đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc. Đồng thời, thông tin đến các giáo giới, đồng bào, học sinh, sinh viên miền Nam và quyết định tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên ở nước ta vào ngày 20/11/1958.
Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11/1958, không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã…
Nhiều thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc gửi lên Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng XHCN, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường XHCN.
Xem thêm nhiều hơn:
- Gợi ý những món quà tặng thầy cô giáo cũ ý nghĩa nhất
- Xúc động với lời tri ân thầy cô giáo ngày ra trường
- Chùm thơ về thầy cô giáo nhân ngày 20/11 hay và ý nghĩa
2. Tìm hiểu ý nghĩa ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 đã trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành dịp đặc biệt để những cô cậu học trò thể hiện tình cảm với những người đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên. Đó là thời gian để suy ngẫm, để nhớ về những kỉ niệm với thầy cô đáng kính, là những hình ảnh thân thương, không thể nào quên… Sẽ mãi theo chúng ta trên bước đường đời.
Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
Trên đây là thông tin về truyền thống ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Bài viết hi vọng đã đem đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc.