Bài thơ mẹ Suốt của Tố Hữu – Ý nghĩa nội dung bài thơ

Tin tức

Bài thơ Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Để tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của bài thơ chúng ta cùng theo dõi bài viết dưới đây!

Mục Lục

Lời bài thơ mẹ Suốt

Lặng nghe mẹ kể ngày xưa
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình
Mẹ rằng: Quê mẹ, Bảo Ninh
Mênh mông sóng biển, lênh đênh mạn thuyền
Sớm chiều, nước xuống triều lên
Cực thân từ thuở mới lên chín mười
Lớn đi ở bốn cửa người
Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua
Lấy chồng, cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!
Nghĩ mà thương mẹ cha sinh
Thương chồng con lại thương mình xót xa…

Bây chừ sông nước về ta
Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào
Bây chừ biển rộng trời cao
Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!
Ông nhà theo bạn “xuất quân”
Tui may cũng được vô chân “sẵn sàng”
Một tay, lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!
Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ…

Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…

Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:
Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?
Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu
Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!
Nghe ra, ông cũng vui lòng
Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:
“Coi chừng sóng lớn, gió to
Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!”

Vui sao, câu chuyện ơn tình
Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say…

Đôi nét về tác giả tố hữu

Nhà thơ Tố Hữu quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, Tố Hữu còn là cán bộ cách mạng lão thành, một chính khách và từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam.

Nhà thơ Tố Hữu
Nhà thơ Tố Hữu

Xem thêm: Thơ mẹ đơn thân

Thơ Tố Hữu thanh đạm, dịu ngọt, thấm sâu vào tâm hồn mọi thế hệ. Trong 2 cuộc kháng chiến, Tố Hữu đã sáng tác rất nhiều bài thơ gắn liền với suốt chiều dài lịch sử kháng chiến nhằm cổ vũ tinh thần cho chiến sỹ và nhân dân. Không thể không nhắc đến các bài thơ như Việt Bắc, Lượm, Việt Nam máu và hoa, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Từ Cu-ba,…

Ý nghĩa bài thơ mẹ Suốt

Mẹ Suốt là một bài thơ hay được viết bởi Tố Hữu vào năm 1965. Khi có dịp nói chuyện với mẹ, nhà thơ đã sáng tác bài thơ Mẹ Suốt nổi tiếng. Đây là khoảng thời gian nhà thơ đang là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. Mẹ Suốt tên đầy đủ là Nguyễn Thị Suốt (1908 – 1968) là một nữ anh hùng lao động trong Chiến tranh Việt Nam. Bà sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo và từ nhỏ đã phải đi ở đợ.

Bà lấy chồng từ sau cách mạng tháng Tám và làm nghề chèo đò kiếm sống qua ngày. Và đây cũng chính là người đã lái đò chở bộ đội, thương binh qua sông Nhật Lệ trong thời gian từ 1964 – 1967. Hình ảnh Mẹ Suốt như là một biểu tượng của người chiến sĩ kiên cường chèo đò trên dòng sông Nhật Lệ. Ngay từ khi ra đời bài thơ này đã được đăng tải trên báo Nhân dân và được công chúng đặc biệt yêu mến.

Cảm nhận về bài thơ mẹ Suốt

Thẳng thừng ra mà nói thì những câu như “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình/ Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh/ Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền” không ai là không thuộc.

Con sông Nhật Lệ thơ mộng cũng phải oằn mình gánh chịu những trận mưa bom đạn của kẻ thù. Mặc dù lúc này xấp xỉ tuổi 60, nhưng Mẹ Suốt vẫn xung phong đảm đương công việc đưa đò, phục vụ giao thông đi lại giữa Đồng Hới với Bảo Ninh. Ngày 7/2/1965, đế quốc Mỹ đã huy động 160 lần chiếc máy bay phản lực hiện đại, ồ ạt tấn công bắn phá Đồng Hới và các vùng lân cận. Đồng Hới rung chuyển trong khói lửa đạn bom của không lực Hoa Kỳ. Trên sông Nhật Lệ, những cột nước đen ngòm tung lên dữ dội bởi bom đạn.

Hình ảnh Mẹ Suốt cần chắc tay chèo đưa bộ đội qua sông
Hình ảnh Mẹ Suốt cần chắc tay chèo đưa bộ đội qua sông

Xem thêm: Bài thơ mẹ và cô

Dưới làn mưa bom bão đạn, Mẹ vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo, đưa đón bộ đội, Nhân dân qua lại đôi bờ Nhật Lệ. Những chuyến đò của Mẹ Suốt cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa Đồng Hới với Bảo Ninh. Hình ảnh Mẹ ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ, bất chấp hiểm nguy, sau này nhà thơ Tố Hữu đã “vẽ” lại đầy hào hùng: “Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?/ Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?/ Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa”.

Chính tinh thần quả cảm, gan dạ của Mẹ Suốt góp phần cùng quân và dân Đồng Hới lập nên kỳ tích. Chỉ trong ngày 7 và ngày 8/2/1965, quân và dân Đồng Hới đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Từ ngày 14/2 đến ngày 28/4/1965, 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, bắn cháy tại sông Nhật Lệ. Mẹ cùng con đò lại tiếp tục công việc thầm lặng: “Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày/ Sợ chi sóng nước tàu bay/ Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua”. Ngày 1/1/1967, Mẹ Suốt được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải.

Rate this post